Chuyển tới nội dung

NƯỚC CHO HÒA BÌNH (bài viết hưởng ứng ngày nước thế giới 2024)

06.03.2024

Nước đang chịu áp lực ngày càng tăng và được dự báo sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý giá không kém dầu mỏ trong thế kỷ 20. Các tác động của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt… cùng sự gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng không chỉ trong đời sống hàng ngày mà cả trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp… đã và đang đặt ra nhiều thách thức với nguồn tài nguyên hữu hạn này. Tiếp cận nguồn nước là quyền của con người. Tuy nhiên, khi nước khan hiếm hoặc ô nhiễm, hoặc khi mọi người không được tiếp cận bình đẳng hoặc không có khả năng tiếp cận với nước, căng thẳng có thể gia tăng, nước có thể châm ngòi cho xung đột. Ngược lại, nước có thể tạo ra hòa bình.

Hàng loạt tranh chấp về nước đã và đang có nguy cơ xảy ra trên thế giới [2]. Iran lo ngại đập Kamal Khan của Afghanistan, dự kiến ​​hoàn thành trong năm 2020, sẽ hạn chế nguồn nước chảy vào một trong các tỉnh của Iran. Ấn Độ và Pakistan cùng chia sẻ nước sông Indus và tranh cãi đã tồn tại từ lâu giữa hai quốc gia này. Thảm họa về nguồn nước của Ấn Độ kéo dài với cuộc xung đột đang diễn ra trên sông Indus với Pakistan cho đến những đợt hạn hán nghiêm trọng ở nước này, nhiều lần gây ra tình trạng khủng hoảng thiếu nước trên khắp Ấn Độ. Hạn hán, lượng mưa hàng năm giảm, thời tiết thay đổi và ô nhiễm đã góp phần vào cuộc khủng hoảng về nước ngày một trầm trọng ở Iraq. Lượng mưa không đồng đều, lượng nước khan hiếm khiến Tây Ban Nha là quốc gia khô cằn nhất Châu Âu. Bên cạnh đó, hơn một triệu giếng khoan trái phép nằm rải rác trên khắp cả nước cùng sự khai thác quá mức làm sự thiếu hụt nước ngày một gia tăng, không chỉ gây nên mất an toàn nguồn nước, mà nó còn ẩn chứa rủi ro cho người dân sinh sống trong khu vực liên quan đến sụt lún đất… Ngay tại Đông Nam Á, các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông giữ lại một lượng nước khổng lồ [4]. Trong mùa gió mùa, lượng nước từ các đập của Trung Quốc chỉ chiếm nhỏ hơn 7% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nên không tác động nhiều. Nhưng trong mùa khô và thời kỳ hạn hán, nước từ các đập thượng nguồn của Trung Quốc chiếm 40-50% lượng nước trong hệ thống Mê Kông. Vì vậy, vào thời gian đó, việc các đập của Trung Quốc vận hành thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lượng nước đổ về các nước vùng hạ lưu sông Mê Kông [4].

Xung đột nước đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, nhưng hạn hán khiến tình trạng này càng thêm nghiêm trọng. Trước đây, “hầu hết xung đột nước diễn ra trong một cộng đồng đơn lẻ, hoặc ở quy mô địa phương và giữa những người có cùng mục đích sử dụng nước. Xung đột giữa các bên sử dụng nước với các mục đích khác nhau ít xảy ra hơn và chủ yếu là do ô nhiễm nước chứ không phải do thiếu nước”, theo một công bố về xung đột nước ở Nghệ An của các nhà nghiên cứu ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào năm 2010 [1]. Nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi: ngược lên vùng Tây Bắc ở Sơn La, hay các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Nam, đến vùng đồng bằng sông Cửu Long đều xảy ra các tranh chấp do thiếu nước, thậm chí nhiều nơi còn dẫn đến xô xát, bạo lực. Ví dụ như tranh chấp về nguồn nước suối Mơ và suối Thơ giữa xã Đại Đồng và Đại Quang, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Hay tranh chấp nước giữa Đà Nẵng và Quảng Nam liên quan đến công trình thủy điện Đăk Mi 4 đã cắt dòng sông Đăk Mi để phát điện nhưng không trả nước về sông Vu Gia mà lại đổ về sông Thu Bồn…[1]

Nước có thể là nguyên nhân xung đột khi lợi ích của những người sử dụng nước khác nhau, không thể hòa giải hoặc khi số lượng và/hoặc chất lượng nước giảm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Nước có thể là vũ khí trong xung đột vũ trang, được sử dụng như một phương tiện để giành hoặc duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ và dân cư hoặc như một phương tiện để gây áp lực cho các nhóm đối thủ.

Nước có thể là nạn nhân của xung đột khi tài nguyên nước là mục tiêu của bạo lực như các cuộc tấn công vào hệ thống đê điều, các nhà máy nước, gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe và vi phạm luật nhân đạo quốc tế

Nước có thể là một công cụ mang lại hòa bình và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững. Chúng ta phải nhận thức rằng nước không chỉ là tài nguyên để sử dụng và cạnh tranh mà còn là quyền của con người, vốn có trong mọi khía cạnh của cuộc sống. 

Hợp tác hòa bình về nước – trong và giữa các quốc gia – có thể mở đường cho hợp tác hòa bình trong mọi lĩnh vực.

Một số phương pháp tăng cường quản trị và tận dụng nước vì hòa bình [3]:

1. Nhận biết nước là hữu hạn

Nước ngọt đã vượt quá giới hạn an toàn trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các hệ thống tuần hoàn nước trên trái đất. Tình trạng thiếu nước tiếp tục diễn ra ở một số khu vực và dự kiến sẽ gia tăng. Sự hợp tác giữa các quốc gia là điều cần thiết để coi nước là nhu cầu chung toàn cầu, nhu cầu của tất cả mọi người.

2. Dùng nước làm điểm khởi đầu cho đối thoại

Căng thẳng về nguồn nước nhìn chung khó có thể leo thang thành xung đột vũ trang ở cấp độ liên quốc gia; tuy nhiên, xung đột bạo lực về nước ngọt ở cấp địa phương đang gia tăng và làm xói mòn an ninh ở cấp quốc gia và khu vực. Trong khi nước thường được coi là vấn đề an ninh mềm và được coi là mối đe dọa phi quân sự; là một vấn đề ít nhạy cảm hơn đối với một số khu vực nhất định. Các quốc gia nên ưu tiên xây dựng mối quan hệ thông qua đối thoại về trách nhiệm chung và việc sử dụng nước. Các cuộc đối thoại định kỳ về các vấn đề về nước không chỉ đơn thuần là đánh dấu vào các thỏa thuận mà là thiết lập các mối quan hệ lâu dài và bền vững, đồng thời có thể giải quyết các vấn đề an ninh lớn hơn nếu tình huống thù địch liên quan đến nước xảy ra.

3. Đưa quản lý nước vào hành động vì khí hậu

Điều này đặt ra những thách thức mới cho việc quản lý các vùng sử dụng chung nguồn nước như sông Mê Kông, sông Hồng…, nơi đang gia tăng tác động của sự bất ổn về khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ở những vùng có chất lượng và/hoặc số lượng nước ít, biến đổi khí hậu có thể làm tăng thêm rủi ro liên quan đến ô nhiễm, xâm nhập mặn. Ví dụ, tình trạng khan hiếm nước do biến đổi khí hậu có thể liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực, bất ổn sinh kế hoặc di dời dân cư. Quản lý nguồn nước hiệu quả để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có thể giúp các khu vực xây dựng và giảm bớt những lý do tiềm ẩn gây ra tình trạng bất ổn về an ninh nguồn nước.

4. Phân phối lại quyền lực

Cần có các cơ chế trao quyền cho các tổ chức cấp lưu vực để quản lý và hợp tác về nước như một lợi ích chung. Các tổ chức lưu vực sông đóng vai trò then chốt trong quản trị nước vì họ cung cấp nền tảng để chia sẻ thông tin, đối thoại và phát triển năng lực. Chúng là chìa khóa để đạt được an ninh nước, cải thiện sinh kế và ngăn ngừa xung đột. 

5. Phi thực dân hóa quản lý nước

Để duy trì hòa bình, điều quan trọng là các chính phủ phải nhận thức và tích cực làm việc để phi thực dân hóa các phương pháp quản lý nước. Một ví dụ phổ biến về thực dân hóa nguồn nước là việc tạo ra các đập lớn để kiểm soát và định lượng nước cho con người sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. 

Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng sinh kế và sản xuất, nước còn có giá trị thẩm mỹ, văn hóa, tinh thần, quan hệ và sinh thái, đồng thời được coi là một thực thể sống của một số cộng đồng. 

Lê Việt Hùng

Khoa Tài nguyên nước

Tài liệu tham khảo:

[1]. Thanh An, 2022, Xung đột nguồn nước: Đi tìm lời giải?, https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/xung-dot-nguon-nuoc-di-tim-loi-giai

[2]. Quỳnh Chi, 2021, Xung đột về nguồn nước - vấn đề nóng trên toàn thế giới, https://vtv.vn/the-gioi/xung-dot-ve-nguon-nuoc-van-de-nong-tren-toan-the-gioi-2021082415591959.htm

[3]. Katie Goldie-Ryder, Radhika Gupta, 2024, Leveraging water for peace, https://siwi.org/latest/leveraging-water-for-peace

[4]. Giải pháp cho xung đột nguồn nước trên dòng Mê Kông, https://nature.org.vn/vn/2019/11/giai-phap-cho-xung-dot-nguon-nuoc-tren-dong-me-kong/

Bài viết khác