Chuyển tới nội dung

Quản lý Tài nguyên nước: Tiềm năng và cơ hội

23.04.2020

1. Tiềm năng tài nguyên nước Việt Nam

Tổng lượng nước mặt ở Việt Nam khoảng 830 tỷ m3 trong đó 57% tập trung ở LVS Cửu Long, trên 16% ở LVS Hồng-Thái Bình và trên 4% ở LVS Đồng Nai. Có  6 lưu vực bị phụ thuộc vào nguồn nước từ ngoài chảy vào, mức trung bình cho các LVS có nguồn nước từ ngoài chảy vào: 40% LVS sông Hồng chảy từ Trung Quốc vào, 30% đối với LVS Mã, 22% vào sông Cả là từ Lào chảy về, gần 17%  LVS Đồng Nai, LVS Cửu Long có tới 95% lượng nước phát sinh từ nước ngoài. Có 3 lưu vực sông chảy ra nước ngoài là LVS Bằng Giang-Kỳ Cùng (sang Trung quốc), và LVS Se San, Sre Pok sang Campuchia. Hiện nay, các sông suối tại các đô thị lớn vấn đề ô nhiễm nguồn nước đã đang trở thành vấn đề bức xúc cần giải quyết triệt để hơn lúc nào hết.

Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của Việt Nam khoảng  63 tỷ m3/năm. Nước dưới đất được phân bố từ mức 3,770 m3/đầu người/năm ở khu vực Tây Bắc đến 84 m3/đầu người/năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù trữ lượng nước dưới đất khu vực Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam khá lớn nhưng chỉ phù hợp với khác thác quy mô nhỏ. Các tầng chứa nước trong trầm tích bở rời ở đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và các đồng bằng ven biển được đánh giá có trữ lượng lớn, khả năng khai thác tốt đáp ứng được yêu cầu cho đời sống và sinh hoạt. Tuy nhiên, việc khai thác ở một số nơi đã quá mức tạo ra các hiện tượng suy thoái hạ thấp mực nước, nhiễm bẩn, xâm nhập mặn và sụt lún mặt đất.

2. Cơ hội thách thức của ngành quản lý tài nguyên nước

Các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) đã xác định tình trạng ô nhiễm là mối đe dọa lớn nhất – có thể gây tổn thất cho Việt Nam ước tính tới 3,5% GDP mỗi năm tính đến năm 2035. Phát triển đô thị, xả nước thải công nghiệp chưa xử lý, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp hiện đang gây ra những áp lực không ngừng đối với các lưu vực sông. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị được đấu nối với các hệ thống thoát nước và chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt được xử lý, chưa kể đến lượng nước thải không qua xử lý từ các nhà máy nằm ngoài các khu công nghiệp. Điều này gây tổn hại lớn tới chất lượng nước và hệ sinh thái liên quan.

An ninh tài nguyên nước của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết một loạt những vấn đề quan trọng liên quan đến tình trạng căng thẳng về nước, suy giảm nhanh chất lượng nước, và những rủi ro thiên tai liên quan đến nước. Vì vậy, cần thiết phải thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Mức độ gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng nước sẽ gây ra căng thẳng về nguồn tài nguyên nước vào mùa khô tại 11 trên tổng số 16 lưu vực sông ở Việt Nam. Thêm vào đó, sự cạnh tranh về nhu cầu sử dụng nước ở nhiều ngành khác nhau ngày càng tăng, trong bối cảnh chất lượng nước ngày một kém đi. Bên cạnh đó, tác động biến đổi khí hậu làm cho các thách thức về nước càng trầm trọng hơn và càng đặt ra nhu cầu quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn.

Như vậy, để quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn cần có các chiến lược lâu dài trong đó có việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay từ Trung ương đến địa phương.

3. Đào tạo sử dụng nhân lực trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay.

Hằng năm, nhu cầu nhân lực về lĩnh vực tài nguyên nước nói chung và lĩnh vực quản lý tài nguyên nước nói riêng đều gia tăng đáng kể. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân hiện nay ở Trung ương có trên 11.000 cán bộ công chức, viên chức, ở địa phương có trên 30.000 công chức, viên chức. Trong đó ngành tài nguyên nước ở Trung ương có 1.500 cán bộ, công chức viên chức, ở địa phương có 3.000 cán bộ. Hầu hết, các cán bộ đang làm việc trong lĩnh vực tài nguyên nước chủ yếu được đào tạo rất đa dạng khác nhau và trái ngành trái nghề trên 60%. Hằng năm nguồn nhân lực này tiếp tục gia tăng đều đặc biệt trong khối tư nhân, ước tính trung bình nhân lực có trình độ đáp ứng cho ngành tài nguyên nước là từ 800-1.000 người. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành TN&MT hiện nay rất lớn, tuy vậy, số lượng được đào tạo, bồi dưỡng theo đúng chuyên môn nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công việc thực tế còn rất hạn chế.

Khoa tài nguyên nước, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đào tạo cử nhân ngành Quản lý tài nguyên nước. Đến nay đã đào tạo được 37 Kỹ sư Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, 57 cử nhân quản lý tài nguyên nước ra trường hiện đang làm việc tại các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Cục quản lý tài nguyên nước; Trung tâm quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Cục Biến đổi khí hậu; Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân, Sở tài nguyên và môi trường các tỉnh: Khánh Hoà, Ninh Bình, Lạng Sơn, … Với chương trình đào tạo tiên tiến được hỗ trợ của Hà Lan, chương trình được thiết kế dựa trên khung đào tạo chuẩn của Hà Lan với các học phần chuyên ngành tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phân tích đánh giá chất lượng nước, các mô hình số nước mặt, nước dưới đất, chất lượng, quản lý tài nguyên nước đô thị, kỹ năng nghề nghiệp tài nguyên nước, … đã lấp đầy được các khoảng trống trong đào tạo của các ngành trước đây về lĩnh vực thuỷ văn, địa chất thuỷ văn, kỹ thuật tài nguyên nước. Hướng đào tạo tập trung để tạo ra các cử nhân có kiến thức cơ bản về quản lý và hiểu biết chuyên sâu về chuyên môn tài nguyên nước đã tạo được động lực cho học tập và đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn xã hội ngày nay.

 

Ngày 28/01/2020
Tài nguyên nước dưới đất
Bài viết khác