Chuyển tới nội dung

Báo động ô nhiễm nguồn nước tại Hải Dương

13.10.2014

Đối với nước sông tự nhiên, theo quan trắc cho thấy, do tốc độ dòng chảy lớn, mang nhiều phù sa và khả năng đồng hóa chất thải tốt nên chủ yếu bị ô nhiễm bởi tổng chất rắn lơ lửng trong nước (TSS). Sông Thái Bình tại xã Nhân Huệ có nồng độ tổng chất thải rắn lơ lửng trong nước vượt 5,76 lần so với mức B1, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2008/BTNMT), tại sông Đuống vượt 4,62 lần, sông Cầu vượt 2,84 lần; một số đoạn sông bị ô nhiễm bởi N-NO2-, N-NH4+ như sông Thái Bình tại xã Nhân Huệ vượt 1,55 lần, sông Đông Mai tại xã Văn Đức vượt 1,73 lần, sông Hương tại xã Quyết Thắng vượt 2,33 lần so với mức B1, Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08:2008/BTNMT).

Đối với nước sông đào, hiện ô nhiễm ni-tơ diễn ra phổ biến và thường xuyên do tốc độ dòng chảy nhỏ và phải tiếp nhận nước thải phát sinh từ các quá trình sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Các điểm quan trắc tại sông Sặt, sông Cửu An, sông Cẩm Giàng, sông Đình Đào, sông Cầu Xe và sông Tứ Kỳ bị ô nhiễm N-NO2-, N-NH4+ vượt mức quy chuẩn cho phép từ 1,03 đến 14,2 lần (mức B1 quy chuẩn Việt Nam QCVN 08:2008/BTNMT).

Cùng với đó, nước ở kênh, mương nội đồng ô nhiễm do tốc độ dòng chảy nhỏ và thường xuyên phải nhận lượng nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Theo kết quả phân tích mạng lưới các điểm quan trắc cho thấy có nhiều thông số vượt nhiều lần mức quy chuẩn môi trường cho phép QCVN 08:2008/BTNMT áp dụng mức B1(Dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng tương tự) và QCVN 39:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước tưới tiêu như lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD), lượng oxy cần thiết để oxy hoá một phần các hợp chất hữu cơ dễ phân hủy bởi vi sinh vật (BOD), N-NO2-, N-NH4+ , TSS... Điển hình như kênh KT Văn Thai, xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng có nồng độ N-NO2- vượt 2,63 lần, nồng độ COD vượt 1,07 lần, nồng độ N-NH4+ vượt 1,44 lần; kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng có nồng độ N-NO2-, vượt 3,0 lần, nồng độ COD vượt 1,1 lần, nồng độ N-NH4+ vượt 1,5 lần, nồng độ BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa) vượt 1,5 lần; kênh Bá Liễu - Trại Vực có nồng độ N-NO2- vượt 4,78 lần, nồng độ N-NH4+ vượt 6,96 lần...

Đặc biệt, môi trường nước ao, hồ tại Hải Dương có mức độ ô nhiễm cao nhất do tốc độ dòng chảy nhỏ và thường xuyên phải tiếp nhận nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điển hình như: Hào Thành, ao làng thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng; ao làng thôn Văn Giang, xã Văn Giang, huyện Ninh Giang...

Trước tình trạng báo động về ô nhiễm nguồn nước, tỉnh Hải Dương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế và từng bước xử lý môi trường để bảo vệ nguồn nước như: Nâng cao hiệu quả đánh giá tác động môi trường trong việc sàng lọc, ngăn ngừa công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trong các dự án đầu tư, phát triển; tập trung xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn như hệ thống thu gom rác thải, tiêu thoát nước, hồ sinh thái. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng chế độ kiểm tra, quan trắc nước thải sau xử lý từ các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện; tập trung bảo vệ duy trì, nâng cấp các hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông trong đô thị, khu dân cư, đẩy nhanh tiến độ kè bờ, chấm dứt tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép.

Hải Dương cũng đẩy mạnh các chương trình, dự án cải tạo, phục hồi sông, hồ, ao, kênh, mương... từ nguồn đầu tư của ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay ưu tiên hỗ trợ phát triển (ODA); tạo quỹ đất cho xây dựng công viên, cây xanh nhất là tại các dự án xây dựng; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xử lý và kiểm soát chặt chẽ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Mạnh Tú (BTNMT)

Bài viết khác