Chuyển tới nội dung

Khoa học cộng đồng trong quan trắc tài nguyên nước

15.11.2017

Trên thế giới, khoa học cộng đồng (KHCĐ) đã được ứng dụng rộng rãi trong quan trắc và giám sát tài nguyên nước. Khái niệm Khoa học cộng đồng (citizen science) là sự tham gia của cộng đồng trong việc điều tra và phát hiện các vấn đề cần giải quyết. Một dự án KHCĐ có thể liên quan đến một người hoặc hàng triệu người cộng tác hướng tới một mục tiêu chung. Thông thường, sự tham gia của cộng đồng là việc thu thập dữ liệu, phân tích, hoặc báo cáo http://scistarter.com/page/Citizen Science.html.

Trong 2 năm từ năm 2015 – 2016, nhóm nghiên cứu gồm giảng viên, sinh viên Khoa Tài nguyên nước đã bước đầu xây dựng thành công mô hình khoa học cồng đồng trong quan trắc và giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Nhuệ tại 3 điểm quan trắc là Cống Liên Mạc 2, cầu Noi, trạm bơm Đồng Bông 1, giá trị mực nước tại các điểm được cập nhật trên trang fanpage của nhóm https://www.facebook.com/groups/233323730344680/. Mô hình khoa học cộng đồng đã và đang ngày càng thu hút sự của người dân, đối tượng tham gia vào mô hình có độ tuổi từ 18 – 50 tuổi, trình độ học vấn chủ yếu là các đối tượng đã tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc đại học. Trải qua một thời gian xây dựng và phát triển, số lượng người tham gia vào dự án KHCĐ vẫn còn hạn chế so với tiềm năng của khu vực sông Nhuệ và nhiệt huyết tham gia của người dân còn chưa cao. Do đó, cần có những chương trình để truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Nhuệ và vai trò của Khoa học cộng đồng trong quan trắc và giám sát Tài nguyên nước.

Tháng 4/2017 tổ chức phi chính phủ của Mỹ, PYXERA – Global https://www.pyxeraglobal.org/our-work/ đã tiếp xúc, làm việc và tìm kiếm cơ hội hợp tác để triển khai các chương trình tình nguyện cộng đồng liên quan đến Tài nguyên nước, sinh kế, tái sử dụng tài nguyên cùng tập đoàn DOW – Chemical (Hòa Kỳ) với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và hai bên đã ký biên bản hợp tác. Trong khuôn khổ chương trình “DOW Leadership in Action Program, 2017  - Cùng lãnh đạo hành động của tập đoàn hóa chất DOW”, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với tổ chức PYXERA – Global (Mỹ), tập đoàn hóa chất DOW thúc đẩy các hoạt động mô hình Khoa học cộng đồng trong quan trắc Tài nguyên nước trên sông Nhuệ.

Trong quá trình thực hiện dự án từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2017, dự án có sự tham gia phối hợp của các thành viên là giảng viên, sinh viên đến từ các khoa Khoa Khí tượng thủy văn; Khoa Môi trường;Khoa Tài nguyên nước trong trường.

Hình 1. Bản đồ khu vực dự án

Mục tiêu dự án

Tăng cường nhận thức về hiện trạng chất lượng nước trên lưu vực sông Nhuệ để nhiều người có thể thấy được vai trò của khoa học cộng đồng và thu hút nhiều người tham gia để tăng mức độ chính xác các nguồn dữ liệu có thể được thu thập;

Thúc đẩy, kết nối dữ liệu quan trắc của người dân với các tổ chức chính quyền địa phương để có những biện pháp cải thiện nguồn nước;

Kết quả của dự án

1.      Xác định đối tượng liên quan và phương pháp truyền thông;

2.      Thiết kế tờ rơi giới thiệu dự án, tuyển tình 20 nguyên viên;

3.      Tổ chức khóa học đào tạo tình nguyện viên, cách thức tiếp cận cộng đồng;

4.      Xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng chất lượng nước sông Nhuệ;

5.      Thúc đẩy mô hình khoa học cộng đồng và tăng cường nhận thức của người dân;

6.      Video giới thiệu về dự án.

Một số hình ảnh các hoạt động của dự án          

Lựa chọn tình nguyện viên

Đào tạo tình nguyện viên

Mở rộng mạng lưới với tổ chức phi chính phủ GreenID – Việt Nam

Chia sẻ và giới thiệu mô hình khoa học cộng đồng cho sinh viên các trường đại học quanh sông Nhuệ

Chi sẻ kết quả dư án tại tuần lễ nước quốc tế ở Amsterdam - 2017

Gặp gỡ và trao đổi với người dân địa phương làng Phú Đô – Nam Từ Liêm – Hà Nội

Trần Ngọc Huân, BM QLTNTNN