Đề xuất 6 nhóm giải pháp đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia
Theo thống kê, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 697 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên tỉnh, 173 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên quốc gia và 38 hồ, đầm phá liên tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 844,4 tỷ m3. Việt Nam cũng có tiềm năng khá lớn về nguồn nước dưới đất, nhưng tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên, tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ ước tính khoảng 91,5 tỷ m3/năm (nước nhạt khoảng 69,1 tỷ m3/năm, nước mặn khoảng 22,4 tỷ m3/năm).
Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc. (Ảnh minh họa)
Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 8.610 m3/người/năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh của Việt Nam thì tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280 m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm. Tổng lượng nhu cầu sử dụng nước khai thác, sử dụng hằng năm khoảng 108,9 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 13,2% tổng lượng nước hàng năm trên phạm vi cả nước). Trong đó, nhu cầu nước cho nông nghiệp khoảng 70,24 tỷ m3/năm, chiếm khoảng 64,5%; thủy sản khoảng 16,26 tỷ m3/năm, chiếm khoảng 14,9%; công nghiệp khoảng 8,7 tỷ m3/năm, chiếm khoảng 8%, sinh hoạt khoảng 3,83 tỷ m3/năm, chiếm 3,5% và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, sinh hoạt và thủy sản...
Tuy nhiên, hiện tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông; hiệu quả sử dụng nước thấp...
Đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia
Phấn đấu đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước từ hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.
Cùng với đó, khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó khăn trong tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo.
Nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất sử dụng tài nguyên nước, đạt hiệu suất sử dụng nước tương đương các nước tiên tiến trong khu vực; đánh giá đúng giá trị kinh tế của nước trong các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội...
Khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội hóa
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra 6 giải pháp, cụ thể như sau:
Một là, về pháp luật, chính sách.
Rà soát sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách theo hướng tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.
Đổi mới, kiện toàn các ủy ban lưu vực sông, đảm bảo đủ thẩm quyền, đủ nguồn lực và hoạt động hiệu lực, hiệu quả để giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
Chú trọng chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng tài nguyên nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng và vùng sinh thủy.
Hai là, tài chính, đầu tư.
Tăng cường, khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, phát triển khoa học công nghệ để khai thác, sử dụng nước tiết kiệm và nâng cao hiệu quả xử lý nước thải.
Ưu tiên vốn ODA cho các đề án, dự án đầu tư cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực; các công trình tích trữ nước nhằm điều hòa, phân phối nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ba là, khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; dữ liệu thời tiết; dữ liệu viễn thám, thông tin ảnh vệ tinh sử dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước.
Nghiên cứu, xây dựng chương trình trọng điểm cấp quốc gia về an ninh tài nguyên nước; nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ số cảnh báo mức độ hạn hán, thiếu nước theo thời gian thực...
Bốn là, tuyên truyền nâng cao nhận thức.
Phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các chủ trương, chính sách và pháp luật về an ninh tài nguyên nước.
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền các nội dung trọng tâm của Quy hoạch bao gồm các mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện đến các Bộ, ngành, địa phương có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.
Năm là, đào tạo, tăng cường năng lực.
Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học và quản lý tài nguyên nước.
Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, thanh tra, kiểm tra, và các hoạt động nghiên cứu, điều tra, đánh giá, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.
Sáu là, tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch.
Đẩy nhanh việc lập phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; lồng ghép nội dung quy hoạch tài nguyên nước trong các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Quyết định nêu rõ, cần rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận liên hành hồ chứa lưu vực sông hướng tới theo thời gian thực để nâng khả năng cấp nước cho hạ du, phòng, chống lũ và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng ít nước; tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn, tái sử dụng nước thải ngay từ giai đoạn thiết kế dự án...
Anh Minh- Kinh tế môi trường