Chuyển tới nội dung

Chính sách bảo vệ tài nguyên nước

03.10.2022

Tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, cần có các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để tiết kiệm và bảo tồn nguồn tài nguyên hữu hạn này.
Với suy nghĩ “Việt Nam rừng vàng, biển bạc”, “nước là của trời cho” không ít người vẫn lầm tưởng nước ta giàu tài nguyên nước. Thế nhưng, thực tế, ở thời điểm hiện tại, nếu tính riêng lượng tài nguyên mặt nước sản sinh trên lãnh thổ, thì tổng lượng nước bình quân trên đầu người ở nước ta chỉ đạt 3.280 m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm. Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước và sẽ gặp rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.Bà Nguyễn Thị Việt Hồng - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý lưu vực sông và Bảo vệ tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá: "Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng, trong đó nhu cầu sử dụng nước tập trung chủ yếu vào các tháng mùa khô và dự báo đến năm 2030 là khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay. Tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới thì tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước thực trạng, nguy cơ “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”. Bên cạnh đó, vấn đề xâm nhập mặn đang diễn ra ở hầu hết các cửa sông ven biển thuộc lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai và Mê Kông với phạm vi và mức độ khác nhau, trong đó diễn ra gay gắt và ảnh hưởng lớn nhất đến đồng bằng sông Cửu Long."

Theo bà Hồng, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta, đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế của Luật cũng đã bộc lộ trong quá trình triển khai và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Báo cáo rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan và đang trong quá trình xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Hướng sửa đổi Luật tài nguyên nước năm 2012 là sẽ bổ sung các chính sách, quy định liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, cụ thể như: cơ chế, chính sách liên quan điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng; điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước; quy định các cơ chế tài chính liên quan đến việc huy động tham gia điều tiết, cấp nước cho các mục đích sử dụng của các hồ chứa trên lưu vực sông; chính sách, chế tài để xử lý tổng thể các vấn đề trong việc cấp nước sinh hoạt; phân công trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước.Việc bổ sung này hướng tới quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; chủ động nguồn nước trong mọi tình huống; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước đảm bảo để duy trì sinh kế, đời sống con người, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước; bảo tồn các hệ sinh thái; đảm bảo quốc phòng và an ninh thông qua việc thực hiện đổi mới về thể chế và các chính sách có tính chất then chốt.Nước là tài nguyên quý giá, bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Tuy nhiên, tài nguyên nước đang bị đe dọa nghiêm trọng do dân số tăng nhanh, nhu cầu càng ngày càng lớn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm của tất cả mọi người. 

Nguồn VoV

Bài viết khác